Trên thực tế ở bản thân mình tôi đã thấy rõ ràng một điều là: Khi muốn điều khiển khí chạy theo ý muốn của mình, nếu không nghĩ về nó, không tập trung tới nó thì dù có dùng tay lướt trên bề mặt cơ thể khí cũng chẳng tự chạy theo ý muốn của mình, mà gần như cũng chẳng có sự cảm nhận khí nào qua não. Nhưng khi tập trung tới nó, suy nghĩ về nó thì lập tức cảm nhận ngay được khí chuyển động trong cơ thể như thế nào và nó có sức lan tỏa khí trên não bộ ra làm sao.
1. Cảm nhận khí trong cơ thể hay chính là sự cảm nhận khí trên não
Khi bạn đặt câu hỏi: Có phương pháp nào luyện khí nhanh, tập với thời gian ít, nhưng lại đạt được kết quả cao nhất, đồng thời trong quá trình tập ta lại luôn kiểm tra được kết quả, kiểm soát được lượng khí ra vào trong cơ thể mình. Tôi xin trả lời là có nhưng với một điều kiện là ta phải hiểu được quy luật hoạt động của khí trong cơ thể con người.
Trong Đông y các bệnh đều quy về chữ khí, người ta dùng thuốc, dùng các phương pháp chữa bệnh khác để điều hòa khí. Vậy nếu ta không dùng thuốc, không dùng phương tiện nào ngoài bộ óc và hai bàn tay mình để điều hòa khí, thì ta phải nghĩ ra một cách thức nào đó để điều khiển khí hoạt động theo ý muốn của chúng ta. Phương pháp này tôi đã tìm tòi suốt hơn 30 năm qua, và tôi đã thành công khi 30 năm qua tôi chữa bệnh mà không phải uống một viên thuốc nào. Cách này tạm gọi là sự cảm nhận khí và điều khiển khí chạy trong cơ thể con người. Tức là bằng cách cảm nhận khí qua não ta biết được vùng nào đang thiếu khí và hướng khí chạy như thế nào, rồi dùng tay và não bộ hướng cho khí chạy tới vùng đó để lập lại sự cân bằng âm dương trong cơ thể con người. Đây là cách có tính chất phòng và chữa bệnh trong thời gian ngắn nhất với hiệu quả cao nhất mà không phải dùng thuốc.
2. Khí chạy hướng lên não từ suy đến thịnh, từ phải qua trái và ngược lại
Khi tập thở như vậy tốt nhất là ở tư thế nằm và ở nơi yên tĩnh làm ta dễ tập trung ý nghĩ để nhận biết được đường thở của mình. Lúc này cần thả lỏng toàn thân, hơi thở mạnh yếu tùy theo sức của mình, ta cũng nên cố gắng hít vào mạnh hơn theo chiều đang đi của khí, khi hít vào nên căng người một cách tự nhiên và hướng khí lên trên vùng nào. Thường điểm tập kết cuối cùng của khí sẽ nằm bên trán phải hoặc trán trái tùy theo cơ thể mỗi người. Khí còn tiếp tục lên mạnh hay không sẽ dễ dàng cảm nhận ở đôi mắt. Thường khi hít vào, khí còn mạnh thì mắt có xu hướng nhắm lại, khi khí đã đạt tới trạng thái bão hòa thì đôi mắt có xu hướng mở ra ( Nó giống như khi ta buồn ngủ hay không buồn ngủ vậy). Bình thường ta cứ tạm coi khí đi từ lưng hay bụng phía bên trái và đi lên trán bên phải, còn theo hướng ngược lại thì khí lại đi từ lưng hay bụng phía bên phải và đi lên trán bên trái. Chú ý gợi ý hướng đi của khí chỉ là tương đối để ta biết mà cảm nhận khí, còn thực tế lối đi của khí mỗi người sẽ khác nhau. Có thể khi lên trên não bộ khí chỉ dừng ở bên phải hoặc trái của trán cho dù khí từ dưới đi lên ở bên phải hay trái. Cho dù khí bắt đầu từ đâu hay được dừng ở điểm nào thì nó luôn luôn vận động ở hai chiều đối nghịch nhau. Sự hoạt động này rất phù hợp với hình sơ đồ của học thuyết âm dương, âm thịnh thì dương suy sau đó chuyển theo chiều ngược lại dương từ từ thịnh lên và âm từ từ suy. Ở đây tôi diễn đạt khí chạy bên phải và bên trái cho dễ hiểu. Bạn cứ tập như vậy tôi nghĩ trong vòng 2 – 3 tháng bạn sẽ có cảm nhận rõ ràng về đường đi của khí. Khi đã có cảm nhận được khí bạn sẽ thấy khí đi theo một chu trình nhất định, nhưng nó sẽ không theo một một biểu đồ thời gian nào đó. Nguyên nhân là sự hoạt động của cơ thể bị tác động của bệnh tật, của cuộc sống bên ngoài nên nó sẽ không diễn ra đúng như chu kỳ sinh học của nó. Chắc các bạn cũng nghe nói về chu kỳ sinh học. Người ta đã thống kê những thời gian nào trong ngày thì các cơ quan lục phủ ngũ tạng sẽ hoạt động mạnh nhất. Điều này chỉ đúng về lý thuyết ở những cơ thể hoàn hảo không bệnh tật hoạt động đúng theo chu kỳ tự nhiên. Thực tế thì hoàn toàn không diễn ra như vậy. Khi bạn đã cảm nhận được khí bạn sẽ thấy rất rõ điều này. Tiếp theo tới một lúc nào đó bạn sẽ thấy khả năng hít khí vào yếu dần, bạn cảm thấy không còn chỗ cho khí vào nữa. Bạn chớ theo những chỉ dẫn cố gắng phình bụng ra hoặc cố gắng căng lông ngực ra để khí vào được nhiều nhất. Ở đây chúng ta nên hiểu khí vào nhiều nhất là vào được đến tất cả các bộ phận cơ thể, chứ không phải căng bụng lên để khí vào đó gây nên sình bụng càng có hại cho cơ thể. Mọi việc thở nông sâu đều phải diễn ra đúng quy luật tự nhiên, đúng với thể trạng của bản thân mình. Chúng ta nên nhớ không phải cứ ăn no là tốt, mà thức ăn được tiêu hóa thế nào mới là điều quan trọng. Có khi ở một điểm nào đó bạn thấy khí dừng lại và gây nên cảm giác đau nhức, bạn sẽ hiểu nơi đó bị tắc khí và cơ thể bạn đang bị bệnh. Nếu những chuyện tắc khí và đau nhức như vậy chỉ diễn ra tạm thời, thì đó chỉ là những bệnh cấp tính, khi khỏi bệnh, thì sự đau nhức cũng sẽ mất theo. Nhưng nếu việc đau nhức đó diễn ra thường xuyên , đôi lúc nặng lên, có lúc nhẹ đi nhưng không bao giờ hết mà nó cứ lặp đi lặp lại, thì lúc đó bạn đang bị một bệnh kinh niên hoặc mãn tính nào đó trong người, nếu nhẹ hơn thì cũng là một bệnh hay một tật nào đó thường xuyên diễn ra. Để chữa những bệnh như thế, hoặc có chữa được hay không thì nó sẽ phức tạp hơn nhiều, nhiều khi không chỉ dùng thuật luyện khí mà có thể chữa được. Việc này tôi sẽ đề cập sâu hơn ở phần châm cứu xương hàm.
Khi bạn đã hoàn thành việc cảm nhận khí thì bạn sẽ thấy nó khó như thế nào. Nó khó là vì không một người nào khác, không một phương tiện máy móc nào có thể làm thay bạn mà chỉ có chính bản thân bạn mới làm được điều đó. Ở ngoài xã hội hiện nay người ta đã sáng tạo ra rất nhiều phương pháp chữa bệnh bằng khí, có một cách làm mà tôi thấy là sai lầm tức là nếu bạn bị bệnh ở đâu thì ta sẽ tập trung khí ở đó, và rồi người ta tìm mọi cách để vùng đó được tập trung khí nhiều nhất, cách chữa này nhiều khi làm cho bệnh nặng thêm. Chúng ta cần phải hiểu một điều bất di bất dịch: Bất kỳ một vùng nào đó bị bệnh thì hoạt động khí thịnh suy của nó đều liên quan đến não bộ, qua hoạt động khí ở não bộ ta sẽ đánh giá được mức độ nặng hay nhẹ và nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ đâu. Không phải cứ vùng nào bị bệnh thì nguyên nhân gây bệnh diễn ra tại vùng đó. Chính vì thế lúc thở hay luyện tập bạn vẫn cứ phải hướng khí lên não, tuy nhiên phải tự nhiên không guợng ép và sự cảm nhận các luồng khí chạy trong cơ thể cũng là sự cảm nhận của các luồng khí qua não.
Những người khỏe mạnh tự nhiên thường là những người có cơ thể cân đối từ dáng người cho đến các bộ phận trên cơ thể. Quá trình di chuyển của khí trong cơ thể con người thường diễn ra một chiều theo một chu kỳ và một khoảng thời gian nhất định. Nó di chuyển từ phải qua trái rồi từ trái qua phải, từ trước ra sau rồi từ sau ra trước, từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên. Nó luôn ở trạng thái từ cực tiểu lên cực thịnh rồi đổi chiều và lại từ cực tiểu lên cực thịnh. Nêú trình tự này xẩy ra đều đặn thì làm khí trong cơ thể con người luôn luôn luân chuyển, sự cân bằng âm dương luôn luôn được thiết lập làm con người khỏe mạnh, có được khả năng chống lại những bệnh tật bên ngoài. Cái lối luôn chuyển khí mang tính đối xứng và xen kẽ trạng thái âm dương sẽ gây ra trạng thái bên thừa khí, bên thiếu khí, trạng thái này luôn tồn tại trong cơ thể nó cũng tạo ra sự chênh lệch áp suất giúp cho khí lưu thông dễ dàng hơn, mạnh hơn. Qua đó ta sẽ thấy một khi khí huyết lưu thông không tốt thì bệnh thường xẩy ra ở một nửa phần cơ thể, bên nửa cơ thể khí huyết không lưu thông sẽ gây nên các bệnh như đau đầu, đau bụng hay như liệt nửa người, liệt nửa mặt vv..Khi ta đã kiểm soát được đường đi của khí trong cơ thể, ta sẽ thấy khí trong cơ thể luôn luôn vận hành theo một chu kỳ nhất định, nó hoạt động giống như hình đồ của học thuyết âm dương, luôn luôn đi từ suy lên vượng và lại từ vượng sang suy và luôn vận hành ở hai chiều đối nghịch nhau làm cho cơ thể có sức hoạt đồng bền bỉ tựa như quả lắc đồng hồ. Có lẽ hoạt động của khí trong cơ thể nó cũng giống như khí hậu diễn ra trên trái đất vậy. Trong một năm thì có 4 mùa, trong một ngày thì cũng có sáng, trưa, chiều, tối, khí cứ luôn phiên chuyển động tùy theo nhiệt độ vá áp suất ngoài trời. Có điều sự thay đổi khí hậu trên trái đất chúng ta có thể nhìn thấy được, đo được, nhưng sự hoạt động của khí trong cơ thể con người là vô hình, là không thể nào đo đếm được mà chỉ bằng sự cảm nhận của cơ thể mới biết được. Các lang y thường dùng phương pháp bắt mạch cho bệnh nhân để đoán được khí vượng suy trong cơ thể người bệnh thế nào, cách làm này chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm còn để xác định bệnh tật thì hoàn toàn không chính xác vì sự vận hành của khí trong cơ thể nó thiên biến vạn hóa, rất dễ bị thay đổi và nhiều khi hoạt động ngoài cả những quy luật thông thường, rất dễ đánh lừa cảm giác bên ngoài của chúng ta.
Hơi thở của mình mạnh hay yếu cũng tùy thuộc vào từng thời điểm khác nhau. Có lúc muốn hít thở mạnh và sâu bạn cũng không thể làm được, hình như hơi thở đến một điểm nào đó thì trở nên bão hòa và dừng lại. Ở bản thân tôi thì thấy khí cứ lên đến bên mắt trái thì dừng lại, lúc đó một nửa bên đầu trái cảm tưởng như đau tức, bức bối khí không lưu thông được, tiếp theo là cảm giác đau khó thở kéo lan xuống ngực bên trái, có cố gắng thở thì hình như phần cơ từ ngực lên cổ bị kéo căng ra muốn thở sâu cũng không thở được, càng cố gắng thở mạnh thì các cơ cổ như co lại càng làm cho khó thở. Rõ ràng đường đi của khí đã bị vật gì cản lại, nếu càng gắng thở thì nó gây nên sự co kéo các cơ ở vùng cổ, vùng mặt gây nên sự đau nhức. Khi thở đã quen, đã cảm nhận được đường đi của khí thì tôi cũng đã xác định được phần bên trái cơ thể từ ngực lên đến thái dương mắt trái gây ra sự khó thở, và sự khó thở này còn kèm theo sự đau nhức do sự co kéo các cơ bên trái từ cổ lên mặt. Lúc đầu như vậy tôi chẳng biết xử lý làm sao, cách tốt nhất là xoa bóp, dùng tay ấn vào những phần cảm thấy đau nhức của cơ thể. Không phải lần nào làm vậy cũng đạt kết quả, nhưng có những lần làm vậy lại cảm thấy dễ chịu hơn, hơi thở mạnh mẽ trở lại. Mỗi lần như vậy tôi lại cảm nhận được đường đi của khí có sự thay đổi, nó đi theo chiều ngược lại và điểm dừng của nó vẫn cứ là phần thái dương bên trái của mắt. Như vậy ta thấy khí chạy trong cơ thể luôn luôn có sự luôn phiên đổi chiều, sau khi đã đến giá trị cực đại thì nó sẽ chuyển về giá trị cực tiểu và đổi chiều đi của khí theo hướng ngược lại.
Chúng ta biết rằng trong cơ thể người đều có một lượng điện tích nhất định, sự chênh lệch về khí ở từng bộ phận khác nhau cũng sẽ tạo ra những điện tích khác nhau. Chính vì thế khi ta lướt tay trên da mình thì ở những nơi thiếu khí sẽ có sự chênh lệch điện tích lớn hơn, tạo nên sức hút lớn hơn và cảm giác đó nó cũng xuất hiện trên não, nhờ đó ta xác định được vùng tắc khí và hướng của khí đang đi. Chính yếu tố sức khỏe, yếu tố bệnh tật, yếu tố thời tiết làm gián đoạn hoặc ngừng một chu kỳ hoạt động của khí. Để khí tiếp tục vận hành thì nó phải sang một chu kỳ chạy theo hướng ngược lại. Chu kỳ mới này chính là hình thức đảo chiều đi của khí, để lập lại sự cân bằng khí giữa các bộ phận trong cơ thể con người.
3. Cảm nhận khí: Chìa khóa để mở ra con đường chữa bệnh
Khi đọc quyển sách “ Dưỡng sinh” của bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng tôi cảm thấy có cái gì đó le lói hy vọng từ phương pháp này. Nhưng cách này không giải quyết cơ bản về cách thở đúng, vì không đề cập được vấn đề mấu chốt là sự cảm nhận khí trong cơ thể con người. Tôi chưa bao giờ được đọc quyển sách nào đề cập đến vấn đề này, chỉ trong quá trình luyện tập tôi mới cảm nhận ra nó. Có người bạn nói những điều tôi nói ra là phi lý, chả nhẽ lịch sử y học bao ngàn năm của con người lại không biết hay sao. Cũng có thể đã có sách nói sâu về vấn đề này mà tôi chưa từng đọc. Cũng có thể chúng ta quá tin tưởng truyền thống y học hàng ngàn năm của người xưa mà không chịu tìm tòi suy nghĩ. Nếu các bậc tổ tiên sống lại thì điều học hỏi trước tiên chắc phải học những người ngày nay, những lớp người đi sau bao giờ cũng có kiến thức hiện đại hơn người đi trước. Dù sao lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết, quan trọng là phải chữa được bệnh. Biết bao bệnh nan y mà hiện nay loài người vẫn đành bó tay. Bản thân tôi đã qua bao nhiêu bác sỹ tự cho mình là tài giỏi nhưng đều không chữa được bệnh hen. Cách thức cuối cùng là tự mình cứu lấy mình, mặc dù khi bước vào tuổi 25 tôi vẫn còn chưa hiểu về y học. Cho đến giờ tôi đã tìm được cách thức cơ bản để chữa bệnh cho bản thân mình và cho các bệnh tật nói chung khác. Tôi mong rằng sẽ có nhiều người luyện tập theo phương pháp này, với lòng quyết tâm các bạn sẽ thành công, lúc đó bạn sẽ thấy lời tôi nói là không thể nào sai được.