Thứ ba, 10/09/2024Websie: THOBANGNAO.VN - THOBANGNAO.COM

Mạng xã hội:
Facebook Google Twitter Blogkeen Linkedin
ĐIỀU KHIỂN KHÍ TRONG CƠ THỂ CON NGƯỜI - TÁC GIẢ: NGUYỄN TOÀN THẮNG
Điều khiển khí trong cơ thể con người

Cảm nhận

Lời nói đầu

Chương 1: Tuổi thơ

Chương 2: Học ở Tiệp

Chương 3: Bệnh hen - Những hiểu biết ban đầu

Chương 4: Sài Gòn - Những ngày đầu

Chương 5: Đội trưởng

Chương 6: Qua Tây Đức

Chương 7: Sài Gòn - Sự trở về

Chương 8: Luyện thở

Chương 9: Cảm nhận & đường đi của khí

Chương 10: Học thuyết Âm Dương và Đông y

Chương 11: Đảo chiều khí

Chương 12: Sự khác biệt giữa cách thở thuận chiều với những cách thở khác

Chương 13: Sự khác biệt giữa đông y và tây y

Chương 14: Châm cứu xương hàm

Chương 15: Các hình thức đối xứng

Chương 16: Nguyên nhân và cách chữa bệnh mãn tính

Chương 17: Đau răng - Đau mắt

Chương 18: Giấc ngủ

Chương 19: Nhất dáng nhì da

Chương 20: Những bệnh tiềm ẩn

Chương 21: Chữa bệnh ảo

Chương 22: Khí và tâm linh

Chương 23: Niềm tin

Chương 24: Bệnh vong nhập, vong theo

Chương 25: Trước cánh cửa tử thần

Chương 26: Khí và phong thủy

Chương 27: Khí và giọng hát

Chương 28: Khí và các chấn thương về bong gân, sai khớp

Chương 29: Dùng khí có cai nghiện được thuốc là và ma túy không

Chương 30: Có chữa bệnh sida bằng khí không

Chương 31: Bệnh ung thư

Chương 32: Khí và tình dục

Chương 33: Khí và võ thuật

Chương 34: Tại sao lại thở thuận chiều

Phần kết

Video - Clips
Thống kê truy cập
  • Đang online : 84
  • Hôm nay : 3660
  • Tháng này : 27846
  • Tổng truy cập : 9163452
Follow us: Youtube G+ twitter Facebook
Điều khiển khí

Chương 1: Tuổi thơ

Đúng là tôi bị hen cơ địa, cơn hen phụ thuộc vào vùng khí hậu mình đang ở. Hồi trước năm 1975 tôi ở Hà Nội, khí hậu ngoài bắc thật là khắc nghiệt, đặc biệt là vào những tháng mùa đông, chẳng đêm nào tôi được ngủ ngon giấc. Thường tối khi đi ngủ thì ngủ được, nhưng tới gần sáng vào những lúc lạnh nhất thì cơn hen lại kéo đến, mặc dù còn rất buồn ngủ nhưng tôi vẫn phải ngồi cho dễ thở và cứ như vậy cho đến sáng thì thôi. Lúc đó tôi còn nhỏ chẳng biết gì, nhiều lúc cảm thấy tủi thân rất ngượng với bạn bè, lúc nào cũng muốn giấu kín bệnh tật không cho ai biết. Có lẽ bố mẹ tôi cũng đau lòng, cũng thương tôi lắm khi thấy bệnh tật hành hạ con mình và đành bất lực đứng nhìn. Điều mà bố mẹ tôi làm được đó là cho tôi uống thuốc tây thoải mái, vì hai ông bà đều làm ngành dược. Bố tôi thuộc loại cán bộ đầu ngành quen biết rộng, nên việc tìm kiếm các loại thuốc tây cũng khá dễ dàng. Bố tôi học Dược từ hồi Đại học Đông dương thuộc Pháp, đào tạo theo kiểu tây nên không biết tí gì về Đông y và cũng không tin Đông y. Mãi sau này tôi mới hiểu bệnh hen gây ra khó thở làm trong người luôn luôn thiếu ôxy, làm suy yếu toàn thân và ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận trong cơ thể. Hồi đó tôi chẳng thể nào nghĩ được tại sao bị hen, chỉ biết rằng khi lên cơn thì nó khò khè khó thở, thường ho ra đờm và thường hắt hơi sổ mũi đau họng triền miên. Nhiều loại thuốc như Êphêrin ( chữa hen), Tetraxilin ( chữa viêm họng) tôi đã uống bao nhiêu lọ không nhớ nữa, tôi chỉ nhớ rằng tôi có tài uống mấy viên thuốc đó cho vào họng nuốt mà không cần nước, quen với vị đắng của nó giống như mình chỉ nuốt một viên kẹo mà thôi.

Hồi nhỏ tôi được Bác ruột chị mẹ tôi kể lại rằng: Mẹ tôi có bầu tôi khi còn ở chiến khu Việt bắc, lúc đó ăn uống thiếu thốn toàn măng rừng và rau xanh nên ảnh hưởng đến thai nhi. Khi về Hà Nội tiếp quản Thủ đô thì sinh ra tôi. Tôi cũng được nghe những bác, những cô cùng cơ quan bố mẹ tôi kể lại cuộc sống hồi nhỏ của mình. Khi sinh ra sau một thời gian thì tôi bị bệnh Ếch giê ma ( bệnh Angzema), đầu lở loét triền miên, mẹ nuôi tôi vô cùng vất vả, rồi cứ cách hai năm một mẹ tôi lại sinh ra hai em gái của tôi nữa.

Tôi nhớ hồi lên 6-7 tuổi mà tôi vẫn mắc chứng bệnh đái dầm. Tuổi này cũng lớn rồi mà còn đái dầm nên ngượng lắm, tôi thường hay giấu kín mọi người kể cả bố mẹ nữa, khi bị ướt thì tôi cứ kệ nó tự khô, có khi tôi còn lấy cát rắc lên cho nó khô nhanh hơn. Lúc đó bố mẹ tôi cũng bận, không có nhiều thời gian và phương tiện như bây giờ để chăm sóc con cái. Tôi được gởi vào nhà mẫu giáo của tập thể, hồi đó cô giáo là những bà già nhiều tuổi, chẳng biết hát biết múa như các cô giáo dạy trẻ ngày nay, vừa là cô giáo, vừa kiêm cô bảo mẫu phải làm nhiều việc, ít người mà đông trẻ con nên không chăm sóc tốt được. Những năm 60 là đỉnh cao của thời kỳ bao cấp, ai cũng nghèo như ai có khi người ta còn tự hào với cái nghèo của mình nữa. Bố tôi là cán bộ có chức vụ khá, có sổ mua hàng dành riêng cho cán bộ cấp cao ở cửa hàng Nhà thờ nên đời sống cũng khá hơn nhiều gia đình khác.

Tôi nhớ hồi lớp 2, lớp 3 đi học toàn bị bắt nạt, vì nhỏ con ốm yếu nên đánh nhau toàn thua tức lắm mà không làm gì được. Đôi khi tôi hay nhờ những đứa khỏe hơn đánh trả thù giúp mình. Đánh nhau thật thì toàn thua nhưng chơi trận giả thì luôn luôn thắng. Tối tối bọn tôi thường chia thành hai phe đánh trận giả, nói chung trẻ con ai cũng sợ ma, còn tôi lại khá là lì luôn luôn phục trong bóng tối hàng tiếng đồng hồ để hạ kẻ địch, cho nên chơi trận giả thằng nào cũng ngán tôi.

Viện kiểm nghiệm - 48 Hai Bà Trưng . Hà nội. Nơi tôi đã sống suốt tuổi thơ của mình.

Tôi nhớ lúc còn rất nhỏ thì bệnh hen chưa có bộc lộ nhiều lắm, càng lớn bệnh càng nặng hơn. Vào năm lớp 4, lớp5 Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, tôi phải rời xa Hà nội lên sơ tán chỗ bà bác tôi trên Phú thọ. Đó là vùng quê miền trung du rất nhiều đồi núi, so với Hà nội thì lạnh hơn và ẩm ướt hơn. Thời hỳ này bệnh hen đã rõ ràng hơn nhiều nên tôi thường xuyên phải uống thuốc vào những mùa lạnh giá. Chơi với trẻ con nông thôn tôi thấy sao bọn nó khỏe mạnh không thấy lạnh. Mùa đông bọn nó mặc mỗi hai cái áo không thấy sao còn tôi mặc bao nhiêu cũng vẫn thấy lạnh. Được cái là ở chỗ mấy bác ruột chị mẹ tôi, mấy bác rất quý anh em chúng tôi và chăm sóc rất chu đáo. Thỉnh thoảng bác tôi hay nói đùa: Thằng Thắng mà sinh ra ở gia đình khác chắc chết từ lâu rồi, ở nông thôn làm gì có thuốc tây mà uống.

Tôi nhớ mãi hồi học lớp 4, lớp5 có một cô bạn gái cũng sơ tán từ thị xã Phú Thọ vào học cùng lớp với tôi, người nhỏ nhắn xinh xinh làm tôi rất thích. Nhiều khi tôi lại thấy thương hại cô ta, cũng bé nhỏ như tôi, nước da trắng , đôi mắt rất đẹp và có nụ cười dễ thương, nhưng lúc nào cũng xanh xao gầy gò như đang có bệnh tật gì đó. Tôi cũng không hiểu mới ít tuổi mà tình cảm lại mơ màng sớm thế, cứ vào lớp là đôi mắt lại tìm cô ta đầu tiên, có lẽ người bị hen sức khỏe yếu nên hay sống nội tâm, tâm hồn thường dễ nhậy cảm. Hơn 20 năm sau tôi về thăm lại nơi cũ, tôi được nghe bác tôi nói cô ta đã mất sớm vì bệnh viêm gan, nghe vậy tôi cứ thấy bồi hồi thương cảm, tôi thầm nghĩ biết làm sao được, con người ta không phải ai cũng chống lại được với bệnh tật ở đời.

Tới năm lớp 6,7 thì bố tôi gởi anh em tôi vào học ở trường nội trú số 1 Hà nội. Đây là trường của Hà Nội đi sơ tán về Hà Bắc, các học sinh trong trường cũng đều là người Hà Nội đi sơ tán theo. Vì là trường của thành phố nên mọi sinh hoạt vui chơi cũng giống như một trường ở Hà Nội. Mọi giờ giấc ăn, học, ngủ và vui chơi đều rõ ràng, tổ chức theo đội, phân đội, sinh hoạt chẳng khác gì đơn vị bộ đội, mỗi học sinh phải tự chăm sóc bản thân, tự lo mọi việc riêng của mình, mỗi người bắt buộc phải có tính tự lập rất cao. Chính ở trong môi trường này tôi đã học được nhiều điều hay nhất của cuộc đời học sinh. Ở môi trường chẳng ai lo cho mình nên cái sợ nhất vẫn là cái đói hành hạ. Ăn cơm chậm thì chỉ còn cơm không mà ăn hoặc chẳng còn cái gì. Lúc sống cùng gia đình tôi sợ hành, sợ tôm, sợ tỏi và vài loại thức ăn khác. Vô đây một thời gian ngắn là tôi ăn cái gì cũng thấy ngon, trình độ ăn nhanh, ăn vụng thằng nào cũng đạt đến đẳng cấp siêu sao.

Tôi nhớ lại trong môi trường cực khổ như vậy thì mình lại ít bị lên cơn hen nhất. Có lẽ do kỷ luật về giờ giấc ăn, ngủ, học là bắt buộc nên dù yếu cũng phải cố gắng để theo kịp mọi người, ở đây chẳng hờn dỗi được với ai, chẳng nhờ được ai giúp đỡ. Thứ hai là ở tập thể nam nữ học chung nhau, ăn uống và sinh hoạt chung nhau nên nếu để con gái nó biết mình bị hen thì ngượng lắm. Do vậy khi khó thở hay lên cơn hen tôi cứ cố gắng nín thở để sao cho không phát ra tiếng khò khè ở cổ. Hồi đó mình nín thở là do ngượng, do sợ sệt chứ đâu biết rằng đó cũng là hình thức phòng và chống bệnh một cách hữu hiệu. Thế là sau hai năm học chung cũng chẳng có nhiều đứa biết tôi bị hen, chỉ trừ những đứa sống chung phòng mà thôi.

Từ năm lớp 8 trở đi thì Mỹ ngừng ném bom ngoài bắc, chúng tôi trở về Hà Nội học. Suốt 3 năm phổ thông cuối cùng thì tôi đã nhận thức được rõ ràng là mình bị hen, một bệnh mãn tính chữa không khỏi. Đây chính là thời gian tôi uống thuốc tây nhiều nhất, hoặc ngay cả thuốc Đông y nghe loại nào chữa được bệnh hen bố tôi cũng đều không tiếc tiền mua cho tôi uống. Hồi này ở Hà Nội còn chưa biết gì đến châm cứu, nghe nói có một ông bấm huyệt bằng tay chữa được bách bệnh nên bố tôi chở tôi tới ngay. Tôi còn nhớ ông ta bấm vài huyệt ở mặt, vài huyệt ở thái dương và cuối cùng kết thúc bằng huyệt bách hội ở đỉnh đầu. Tôi nhớ là chẳng có cảm giác gì sau khi điểm huyệt, chỉ biết ông ta nói chữa bệnh phải lâu dài, tôi còn đến chỗ ông ta 1,2 lần nữa rồi bỏ luôn, giờ nghĩ lại cũng buồn cười, hồi đó cũng đông người đến chỗ ông ta lắm, không hiểu có ai khỏi bệnh không.

Lúc này đã là tuổi dậy thì nên tôi cũng hay ý tứ trước bọn con gái. Nhiều khi lạnh run người nhưng tôi vẫn cố ý ăn mặc phong phanh để chứng tỏ sức khỏe của mình. Có lần bố tôi thấy, ông rất ngạc nhiên nhưng rồi chợt hiểu ra được nguyên nhân nên mắng tôi một trận nên thân. Hồi này Mẹ tôi đang công tác xa, tôi cứ mỗi ngày hai bữa cơm tập thể, quần aó thì chắc một tuần thay một lần nên có nhiều thời gian để giao du bạn bè. Chỉ có điều là hình như bọn con gái trong lớp chẳng có đứa nào chú ý đến mình, có lẽ vì tướng tôi trông nhỏ con, không có sức sống, học lực cũng chỉ vào loại khá nên chẳng thể nào lọt được vào mắt xanh của các nàng.

Năm lớp 8 tôi có thích một đứa con gái cùng lớp, nhưng trong lớp bọn nó lại hay chế con nhỏ đó với thằng khác. Tôi cứ phân vân mãi không hiểu con nhỏ đó có thích mình hay không. Nó thuộc loại học sinh giỏi của lớp, năm lớp 8 tôi học cũng thuộc loại giỏi nên cũng có dịp gần nó để bàn về việc học hành của lớp. Nó cũng tỏ ra quan tâm và thích nói chuyện với tôi, nhưng rồi có lần tôi thấy nó nói chuyện với cái thằng mọi người hay chế nó, thằng này to cao, đẹp giai nhưng học dốt. Tôi thấy con nhỏ xúc động thật sự, đôi mắt long lanh long lanh, lại còn hay cười mỗi khi thằng này chạm nhẹ tay vào người. Thế là trời đất sụp đổ, máu tự ti nổi lên, tôi thấy cảnh mình thấp hơn con nhỏ nửa cái đầu, lại ốm yếu ho hen thế này, thôi đành ôm trọn tình đơn phương vào trong lòng vậy. Cho tới giờ tôi vẫn không biết hồi đó nó có thích tôi một tí nào không.

Nhưng không phải tình hình lúc nào cũng bi quan. Tới năm lớp 10 khi gần hết năm học tôi phát hiện ra có một ánh mắt đang nhìn mình. Sau nhiều lần liếc qua liếc lại thì tôi cũng thích nó. Rồi có một hôm không hiểu sao tóc của nó xõa ngay trên bàn học của tôi làm tôi vô cùng bối rối ( vì nó ngồi hàng ghế trước tôi), tôi không dám đưa tay gạt đi và cũng không dám đặt vở của mình lên tóc của nó. Tim bắt đầu đập loạn xạ, người cảm thấy tức tức khó thở, thế là máu tự ti lại nổi lên, tôi chỉ im lặng chẳng nói, chẳng làm gì. Thế rồi trong lúc luống cuống tôi đánh rơi quyển vở xuống gầm bàn, tôi liền lấy chân quờ quạng tìm vở thế nào lại đá vào chân nó, nó quay lại trừng mắt nhìn tôi, tôi sợ quá chẳng dám nói câu nào. Những ngày sau đó ánh mắt cứ thưa dần, lòng cứ cảm thấy buồn buồn mà chẳng biết nói cùng ai. Bây giờ ngồi nghĩ lại lúc đó ai cho tôi ít sức khỏe, ít dũng khí thì có lẽ đời tôi bây giờ đã khác xa.

Con trai thanh lịch Hà nội - Học lớp 10 năm 1972 tại công viên Thống Nhất

Gái Hà nội đẹp chưa - Học sinh lớp 10A Trường Lý Thường Kiệt . Hà nội (1972)

Lớp 10A Trường Lý Thường Kiệt Hà nội - 1972

Tiễn bạn lớp 10A đi bộ đội năm 1972

Vì sức khỏe yếu nên bố tôi hiểu rằng tôi sẽ chẳng làm được việc gì nếu học không tốt. Bản thân tôi cũng hiểu như vậy. Lúc này đất nước đang có chiến tranh, nếu không học tiếp thì tôi sẽ phải đi lính, nhưng sức khỏe yếu thì không biết sẽ ra sao, do đó bố tôi thường xuyên nhắc nhở tôi học hành. Nhưng rồi một sự kiện lớn đã xẩy ra, hết học kỳ 1 tôi vẫn chưa là Đoàn viên thanh niên cộng sản. Hồi đó không là Đoàn viên thì chẳng được học ở một trường nào chứ đừng nói đến việc học đại học. Bố tôi có hỏi thầy giáo thì được biết đợt kết nạp cho tôi phải hoãn lại để ưu tiên kết nạp cho học sinh đi bộ đội, còn chờ tới đợt mới thì không biết tới bao giờ. Rồi Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, trường giải tán sớm và tôi vẫn chưa là Đoàn viên. Nỗi thất vọng bao trùm lên gia đình tôi, bố tôi xuất thân là gia đình học hành nên ông cụ buồn lắm. Còn tôi lại cảm thấy rất bình thường, chỉ nghĩ nếu không đi học thì chắc phải đi lính, lúc đang đánh nhau mà mình lên cơn hen thì chắc sẽ chết đầu tiên, cứ nghĩ vậy tôi cũng thấy sờ sợ. Dù chưa là Đoàn viên thì tôi vẫn tiếp tục học thi, hồi đó trường giải tán sớm nên bọn tôi phải tự túc về nông thôn thi, cuối cùng thì tôi cũng đỗ tốt nghiệp. Khi thi tiếp đại học thì cả gia đình cứ phân vân không biết đi thi để làm gì, vì thế khi thi xong bố tôi gởi tôi lên Phú thọ sơ tán mà chẳng bao giờ hy vọng tôi có giấy gọi đại học. Ở Phú Thọ một tháng thì tôi có điện về Hà Nội gấp. Về đến nơi bố tôi đưa tôi một tờ giấy hẹn lên Sở Giáo dục bàn chuyện đi học nước ngoài. Trời đất như sụp đổ cả nhà đều không hiểu. Sau khi lên Sở giáo dục về thì tôi và gia đình tôi mới vỡ lẽ: Tôi đã đủ điểm đi học nước ngoài nhưng còn thiếu quyết định kết nạp đoàn viên nên phải bổ túc hồ sơ. Bố tôi lặng người không nói được câu nào. Hôm sau ông đến thầy chủ nhiệm về nói cho tôi biết: Việc kết nạp đoàn là do bên Đoàn lo, thầy giáo không nắm được, nên tôi phải hỏi lại Bí thư chi đoàn. Thật may cho tôi Bí thư chi đoàn lại là bạn thân, chỉ hai ngày sau nó nói tôi làm gấp một quyển Lý lịch đoàn viên và ba ngày sau thì tôi đã có đầy đủ bộ Lý lịch đoàn viên nộp cho Sở Giáo dục. Mười ngày sau đó gia đình tôi bí mật đưa tôi lên Thái nguyên tập trung để đi nước ngoài, khi đi không dám nói cho ai biết. Lúc đó tôi cũng chẳng hỏi cụ thể tại sao bạn tôi làm được việc đó, nếu là việc bất hợp pháp thì rất nguy hiểm cho tôi và cho cả bạn tôi. Tôi cũng phải giữ bí mật này suốt năm tháng sống ở nước ngoài. Cuối cùng thì mọi việc cũng rõ ràng. Sau 40 năm tôi mới gặp lại ông bạn Bí thư chi đoàn đã giúp đỡ tôi hiện đang định cư ở nước ngoài. Việc vào Đoàn của tôi là hợp pháp trên danh nghĩa, nhưng về nghi thức lại là bất hợp pháp vì không có buổi lễ kết nạp nào diễn ra, và không có cảnh đội viên xin thề. Đúng là không có sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè thì việc đó sẽ không bao giờ xẩy ra và không biết đời tôi đã quay sang hướng nào. Các bạn thấy đấy: Ông trời lấy đi của mình cái này thì lại cho mình cái khác. Câu này không phải tôi nói đâu nhé.

Người bạn giúp tôi vào Đoàn sau 40 năm gặp lại tại Sài gòn (Mặc áo vàng bên trái Chụp 2012)

Đi nước ngoài đáng lẽ là mừng thì tôi và gia đình tôi lại nhiều nỗi lo. Ngoài việc lo phát giác chuyện Đoàn viên, thì còn một nỗi lo lớn nữa là tôi bị hen. Khi khám sức khỏe mình đâu có khai bệnh nhưng qua bên đó họ phát hiện được thì có bị trả về nước không, rồi xứ sở băng tuyết lạnh như vậy tôi có đủ sức để học không. Hồi đó ở Hà Nội nghe đồn có một bà chế ra một loại thuốc chữa được hen cho nhiều người, cho chính cả bà ta nữa. Bố tôi đã mua rất nhiều viên thuốc đó để tôi mang theo uống hàng ngày bên Tây mong rằng ngăn được bệnh hen. Những viên thuốc này màu đỏ da cam nặn tròn như củ lạc, mỗi ngày tôi uống vài viên mà cảm thấy sờ sợ. Bố tôi bảo thuốc làm từ thạch tín nên có màu đỏ như vậy. Mãi sau này tôi mới biết thạch tín là một chất rất độc hại cho sức khỏe con người, tôi không khỏi rùng mình. Bố tôi làm ngành dược thừa biết đó là chất độc mà sao vẫn mua cho tôi uống. Có lẽ ông cụ bí quá, nghĩ rằng lấy độc trị độc chăng nên thử dùng xem sao. Cũng may là qua Tiệp tôi không bị lên cơn hen nữa nên tôi cũng đã vứt số thuốc ấy đi.

Đám cưới bố mẹ tôi ở chiến khu Việt Bắc năm 1953. Cô dâu ngượng ngịu quay mặt đi nơi khác cười. Thật là tếu!

Ảnh chụp khi tôi mới sinh ra cùng bố, mẹ và cô, chú (1955)

Mẹ và 3 anh em (1962)

Bố, Mẹ sau ngày giải phóng Thủ đô ( 1956)

Ảnh Bố (1956)

Bố Mẹ, 2 em gái và gia đình Bác tôi ở Phú Thọ ( 1962)

Mẹ và 3 anh em tôi cùng các anh, chị con Bác ở Phú Thọ (1962)

Gia đình đi nghỉ mát ở biển Sầm Sơn (Thanh Hóa 1964)

Bố làm Viện trưởng Viện kiểm nghiệm và được phong hàm Giáo sư - Thế hệ đầu tiên của Việt nam ( 1972)

Tôi và 2 em gái (Công viên Thống nhất 1971)

Bố tôi và 2 em gái (Công viên Thống nhất 1971)

Hai anh em - Công viên Thống nhất (1971)

Hai em gái (1975)

Bố, Mẹ và 2 em gái (1975)

Form liên hệ

Hãy liên hệ với chúng tôi để nhận thêm thông tin

Họ và tên:*
Điện thoại:*
Email:*
Nội dung
Video - Clips
Zalo
Zalo
favebook